BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

PHÁP LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được coi trọng. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của công tác trong đời sống xã hội, đồng thời nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân, ngày 25/5/2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021. Tại điểm d mục 5 Phần III của Chương trình về đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhấn mạnh về việc hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lồng ghép với hòa giải ở cơ sở,…. Vấn đề đặt ra là giữa hòa giải cơ sở và và phổ biến, giáo dục pháp luật có mối tương quan như trong các hình thức đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải cơ sở. Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi khi hòa giải các hòa giải viên bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, còn phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích hướng dẫn các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để tự lựa chọn, tự dàn xếp ổn thỏa với nhau những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật. Theo đó thông qua hòa giải, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng.

Tuy nhiên phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hòa giải khác với tuyên truyền miệng về pháp luật ở chỗ là chỉ khi nào có vụ việc vi phạm pháp luật hoặc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì hòa giải viên mới có lý do để tiến hành hòa giải và kết hợp với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người có liên quan trong quá trình tiến hành hòa giải. Vì vậy, phương thức thông qua hoạt động hòa giải ở đây là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (Hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác) với nội dung phổ biến giáo dục pháp luật đã được xác định, gắn liền với từng tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật cụ thể…Hòa giải viên hoặc những người được hòa giải viên mời tham gia hòa giải là những người trực tiếp, giữ vai trò trung tâm. Nội dung pháp luật được các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người hác lưu giữ một cách bền vững hơn, tính chủ động phòng tránh tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự cao hơn hoặc nếu bất đắc dĩ tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự thì họ cũng chủ động hơn trong cách xử lý theo chiều hướng tích cực bởi họ đã biết những kiến thức pháp luật nhất định có liên quan.

Xuất phát từ vai trò ý nghĩa nêu ttrên của hòa giải ở cơ sở mà xét ở một khía cạnh nhất định ở phạm vi hẹp thì hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức hữu hiệu để tuyên truyền tới nhóm đối tượng người dân cụ thể là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cũng chính vì vậy, trở lại với quy định của Luật phổ biến giáo dục pháp luật, tại khoản 5 Điều 11 khi liệt kê các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật quy định: “…Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở ”. Theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì, người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và phải có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

Để thực hiện tốt hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên do Bộ Tư pháp ban hành năm 2016 đã nêu ra 03 bước hòa giải viên cần thực hiện gồm:

- Bước 1. Trực tiếp nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp, kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

- Bước 2. Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn vào văn bản có liên quan đến tranh chấp để vận dụng các quy định đó vào việc giải quyết tranh chấp.

- Bước 3. Hòa giải viên cần gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải, kết hơp với việc giải thích pháp luật giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mình.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở khi xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, thực hiện quyền được lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn tranh chấp phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ban biên tập cổng thông tin phường./.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 259