Giới Thiệu
I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên.
Phường Cao Xanh được xác định là một trong những phường trung tâm của thành phố Hạ Long. Địa hình phường được chia thành 3 loại chính: Vùng đồi núi thung lũng, vùng bằng và vùng biển đảo. Vùng đồi núi thung lũng gồm có khu phố 1, 2A, 2B, 3, 4a, 4B, khu 5 vùng này vào mùa mưa thường bị ngập lụt cục bộ. Vùng bằng phẳng phần lớn giáp với biển gồm một phần khu 4A, 4b, 6, và toàn bộ khu 7, khu 8. Vùng biển đảo ( xã Thành Công trước kia) và đảo Gạc.
- Phía Bắc giáp phường Hà Khánh và huyện Hoành Bồ ( Sông Cửa Lục).
- Phía Nam giáp phường Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo.
- Phía Đông giáp phường Cao Thắng.
- Phía Tây giáp phường Bãi Cháy ( Sông Cửa Lục).
Phường Cao Xanh có diện tích đất tự nhiên là 615,73 ha, có tuyến đường tỉnh lộ 337 chạy qua và nằm dọc ven bờ Vịnh Hạ Long ( sông Cửa Lục giáp với huyện Hoàng Bồ) có độ dài 2,8 km. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của phường Cao Xanh khá phong phú, nhất là tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển.
Địa hình phường được chia thành 2 loại chính: Vùng đồi núi cao và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi cao với diện tích khoảng 60% diện tích tự nhiên của phường.
Vùng thấp với địa hình khá bằng phẳng, độ dốc thoải đều từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, thuận lợi cho việc thoát nước tự nhiên. Đây là vùng phân bố của các khu vực dân cư cũng như vùng sản xuất chính của địa phương.
Mặc dù nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, song phường Cao Xanh nói riêng (và thành phố Hạ Long nói chung) đều chịu ảnh hưởng tác động của khí hậu hải dương. Đây là nét riêng biệt về khí hậu của vùng duyên hải Bắc Bộ, vì thế chế độ gió mang tính chất đặc trưng theo mùa là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam.
Phường Cao Xanh có hai mùa gió chính là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Tốc độ gió trung bình hàng năm 2,8 m/s, hướng gió mạnh nhất là gió mùa Tây Nam, đạt tới 45 m/s. Do vị trí nằm trong vùng duyên hải Bắc Bộ vì vậy ảnh hưởng tác động là điều không thể tránh khỏi, vì thế các thiệt hại do bão gây ra là không nhỏ đối với cuộc sống và sản xuất của nhân dân nơi đây.
Nhiệt độ khí hậu của Cao Xanh trung bình hàng năm 22,9oC, dao động từ 15,8oC đến 28,5oC. Nhiệt độ trung bình cao nhất 26,3oC. Nhiệt độ cao nhất lờn tới 38,8oC, mùa đông, nhiệt độ thấp nhất 13,7oC, nhiệt độ thấp tuyệt đối 5oC. Lượng mưa trung bình hàng năm đạt 2.016,2 mm, mưa không phân bố đều trong năm, chia thành hai mùa: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm từ 80-85% tổng lượng mưa cả năm, cao nhất là tháng 7 và tháng 8 đạt 350 mm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ đạt 15-20% tổng lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 1 và tháng 12, chỉ đạt 4-40mm.
II. Đặc điểm tình hình chung và kinh tế-xã hội.
1. Tình hình chung. Toàn Đảng bộ có 16 chi bộ trực thuộc, trong đó 10 chi bộ khu phố, 04 chi bộ trường học, 01 chi bộ Công an, 01 chi bộ cơ quan phường với 679 đảng viên và 934 đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76 của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Đảng bộ có 14 đồng chí; Ban Thường vụ có 05 đồng chí; UBKT Đảng uỷ có 05 đồng chí. UB MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ phường đến khu dân cư, luôn được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. HĐND phường có 27 đại biểu. Các đoàn thể chính trị - xã hội: UB MTTQ gồm 32 thành viên; hội CCB gồm 680 hội viên; hội LHPN gồm 2.192 hội viên; Đoàn TN gồm 185 đoàn viên; hội NCT gồm 1.670 hội viên; hội CTĐ gồm 1.680 hội viên; hội NNCĐDC điôxin gồm 114 hội viên; hội Luật gia gồm 14 hội viên; công đoàn gồm 23 đoàn viên.
Toàn Phường có 5.162 hộ dân và 19.255 nhân khẩu chia thành 10 khu phố, 136 tổ dân. Đóng trên địa bàn có các cơ quan hành chính, y tế giáo dục....như: Đài tiếng nói Việt Nam khu vực phía Bắc VOV, Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh, Tòa án nhân dân Tỉnh, Cục Thi hành án Tỉnh, Công an thành phố Hạ Long, Chi Cục Thi hành án thành phố Hạ Long, Trung tâm dân số thành phố Hạ Long, Đội kiểm tra trật tự đô thị & Môi trường thành phố Hạ Long, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Thành phố và có Bệnh viện Lao – Phổi Quảng Ninh, Phòng khám đa khoa khu vực Cao Xanh, Trạm y tế phường Cao Xanh,...; toàn phường có 5 trường học từ bậc học Mầm non đến THPT, với số lượng 3.115 học sinh và 286 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong những năm gần đây hệ thống giáo dục phát triển rất nhanh, đặc biệt khu vực tư nhân có trường Đoàn Thị Điểm thực hiện chương trình 3 bậc học (Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) hàng năm có trên 900 học sinh, Trường Trung học phổ thông Hạ Long có trên 300 học sinh. Phường Cao Xanh là địa phương có hệ thống kinh doanh thương mại dịch vụ rất phát triển, hiện nay có trên 100 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và chợ Sa Tô đang hoạt động hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của người dân và khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng và thăm thân.
2. Kinh tế xã hội. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của phường Cao Xanh như vậy, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong 35 năm qua phường Cao xanh đã có nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị (thực hiện các dự án đô thị) và đặc biệt kinh tế tư nhân phát triển rất mạnh, nhất là cơ sở doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, ... Tiềm năng trong thời gian tiếp theo rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển phát huy thế mạnh đảo Gạc và nối liền với các dự án phát triển đô thị trên địa bàn.....
Với chiều dài khoảng 2,8 km ven bờ biển và biển đảo nằm trong vùng biển ven bờ Vịnh Hạ Long, giáp với huyện Hoành Bồ, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển đánh bắt hải sản, thông thương hàng hóa và thực hiện các dịch vụ ven biển và trên mặt biển. Trong những năm thập niên 80 phát huy những lợi thế về tài nguyên biển, đã phát triển nghề đánh bắt hải thuỷ sản và giao thông đường thuỷ. ( ý kiến của đ/c Chu Văn Lợi và đ/c Nguyễn Viết Tiến) Từ năm 1961 đế tháng 5/1976, có HTX ngư nghiệp Đại Thắng. Từ tháng 6/1976 đến tháng 12/1983, HTX Đại Thắng hợp nhất với HTX ngư nghiệp Ngọc Tiến xã Tuần Châu, trụ sở đóng tại xã Thành Công. Từ tháng 01/1984, HTX Ngọc Tiến tách ra trở về Tuần Châu, HTX Đại Thắng ở lại nhưng không lấy tên cũ mà đổi tên thành HTX thủy sản Hạ Long. Đến tháng 4/1994, HTX Hạ Long tách ra thành HTX Hạ Long I và HTX Hạ Long 2, có 1 tổ hợp đóng sửa chữa tàu thuyền, 1 tổ cơ khí sửa chữa nhỏ chuyên phục vụ những người làm nghề biển. Đến nay một số hộ dân khu phố 7 vẫn duy trì và phát huy tốt nghề đánh bắt hải sản ven biển, bên cạnh đó có một sô hộ dân đã hình thành cơ sở sản xuất đá đông lạnh phục vụ cho các tàu đánh bắt cá trên biển. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng hải sản hàng năm thu từ 150 tấn đến 300 tấn trên 3 ngư trường với trên 150 lao đống. Với ngư trường rộng có nguồn lợi thuỷ sản khá phong phú, có nhiều loại tôm, cá, nhiều loại hải sản quý có giá trị kinh tế cao … đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà phường cần tận dụng khai thác để phát triển kinh tế hộ gia đình trong những năm qua và những năm tiếp theo.
Hệ thống giao thông của phường tương đối thuận lợi, gồm các tuyến đường chính như tỉnh lộ 337 có chiều dài khoảng 2,8km, là tuyến giao thông chính nối huyện Hoành Bồ với các huyện miền đông, song song đó là các tuyến đường được bê tông hóa 100% trong khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương của nhân dân trong, ngoài phường và đặc biệt đáp ứng tốt cho sự phát triển thông thương với các địa phương khác.
Trong những năm gần đây với sự phát triển nhanh mạnh của xã hội. Cùng với các địa phương khác, phường được Thành phố quan tâm đầu tư chỉnh trang đô thị, nâng cấp mở đường 337, xây dựng hoàn thành 10/10 khu phố có nhà văn hóa, bằng nguồn hỗ trợ từ ngân sách và huy động phường đã xây dựng hệ thống kè đá chống sạt lở đất đá và bê tông hóa 100% đường trong khu dân cư, tổ chức nạo vét xây dựng hệ thống mương thoát nước, hồ điều hòa, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nâng cao đời sống dân sinh. Đảng bộ và nhân dân luôn quan tâm tạo điều kiện thuận để các doanh nghiệp phát triển và đầu tư phát triển kinh tế, phát triển đô thị, hiện nay trên toàn địa bàn phường có 12 dự án đã và đang thi công, cụ thể: Dự án đường dọc mương thoát nước từ cầu Nước mặn phường Hà Lầm đến Cầu k67 phường Hà Khánh; dự án xây dựng khu tái định cư và Nhà văn hóa khu 6 phường Cao Xanh; dự án khu đô thị Cao Xanh- Hà Khánh B; dự án khu đô thị đồi chè; dự án khu sinh thái Đảo Gạc; khu tái định cư và tự xây khu 9 phường Cao Xanh; dự án khu đô thị Cao Xanh, Hà Khánh A mở rộng; dự án khu đô thị tiếp giáp khu đô thị Cao Xanh- Hà Khánh A; dự án khu đô thị Nam Sa Tô; dự an tuyến kè bao ngoài và khu đô thị mới hình thành giữa tuyến kè mới với tuyến đường bao biển khu đô thị Cao Xanh- Hà Khánh A, B ,C ,D; dự án khu đô thị mới đảo Sa Tô; dự án hố ngưng khu 1; dự án hoàn thiện đường cống tổ 69, 70 khu 6.
Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân phường luôn đoàn kết chung tay, chung sức quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội, chi trả trợ cấp hàng tháng đầy đủ cho các đối tượng chính sách, đảm bảo các gia đình chính sách trên địa bàn luôn có mức sống trung bình và trên trung bình, đặc biệt phường quan tâm đến các chỉ tiêu giảm nghèo và kịp thời huy động các nguồn hỗ trợ thoát nghèo, chính vì vậy đã đạt được kết quả cao hiện nay trên toàn phường còn 8 hộ nghèo.
III. Lịch sử hình thành và truyền thống văn hoá, cách mạng của nhân dân Cao Xanh.
Phường Cao Xanh là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trong tổng thể hình thành và phát triển của thành phố Hạ Long. Hầu hết nhân dân từ các tỉnh đồng bằng bắc bộ di cư về sinh sống và làm nghề đánh bắt hải thủy sản để sinh sống. Tại nơi đây người dân đã đoàn kết, gắn bó hỗ trợ nhau trong công việc và giúp nhau vượt khó khăn, từ đó đã lập nên làng. Đến thời nhà Nguyễn, dân số phát triển đông nên đã chia tách thành 2 xã ( xã Giang Võng và Trúc Võng) và xây dựng 2 đình là Đình Giang Võng và Đình Trúc Võng. Đình Trúc Võng được xây dựng tại đồi Kênh Đồng thuộc khu vực phường Giếng Đáy ngày nay, còn Đình Giang Võng được xay dựng vào năm 1824 và hoàn thành vào năm 1825, tại đồi Cái Đá thuộc phường hà Khánh. Nhân dân khu phố 7 ( xã Thành Công trước đây) hiện nay vẫn duy trì lễ hội rước nước tại đình Giang Võng, lễ hội đã có từ xa xưa phục vụ văn hóa tâm linh của nhân dân hai bên sông Cửa Lục. Đến nay, vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 11 âm lịch hàng năm, nhân dân phường Cao Xanh và Hà Khánh đoàn kết duy trì tổ chức lễ hội rước nước và thắp hương tế thần tại Đình Giang Võng. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, thành lập xã Thành Công, khi đó thuộc huyện Hoành Bồ. Đến năm 1955 sáp nhập xã Thành Công về thị xã Hòn Gai. Đến tháng 4/1994, xã Thành Công giải tán và sáp nhập vào phường Cao Xanh, trở thành khu 7 và khu 8 phường Cao Xanh cho đến nay. (ý kiến của đ/c Chu Văn Lợi và đ/c Nguyễn Viết Tiến)
Trong những năm kháng chiến Đình Giang Võng là nơi che dấu nuôi dưỡng cán bộ chiến sỹ cách mạng như đồng chí Phạm Hoành, Lê mai, Lể Đại, Trần Đường, Trần Quốc Lân, Lê Xung, Bùi Xuân Thới, Hoàng Cư. Là nơi tập kết của bộ đội chủ lực làm cơ sở tiến quân đánh chiếm đồn Hà Lầm vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/12/1946. Sau khi giành chính quyền ở Miền bắc, Đình Giang Võng là trụ sở làm việc đầu tiên của xã Thành Công và được sử dụng mở những lớp Bình dân học vụ trong những năm 1955-1960.
Sự kiện 5-8-1964 nổ ra, Hồng Gai là địa danh được đế quốc Mỹ chọn là một trong những điểm đánh phá đầu tiên trên miền Bắc, nhằm vào bến cảng, khu khai thác và sàng tuyển than. Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ được quân, dân thị xã Hồng Gai chuẩn bị và chiến đấu dũng cảm, kiên cường nên ngay trong trận đầu đã giành được thắng lợi vang dội và bắt được tên giặc lái đầu tiên trên miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Cao Xanh đã đóng góp đáng kể sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và giải phóng miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân cả nước tích cực tham gia chiến đấu và chủ động thực hiện nhiệm vụ sản xuất lương thực, thực phẩm để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh chung đó, cán bộ và nhân dân Cao Xanh cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất.
Trải qua những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn người con ưu tú của địa phương đă lên đường nhập ngũ, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong các chiến trường B, C, K và có trên 200 người đã vĩnh viễn không trở về với gia đình, trên 300 người đã hiến dâng một phần xương máu và sức lực của mình cho Tổ quốc. Ở địa phương cán bộ và nhân dân đã bám trụ kiên cường vừa tham gia chiến đấu, vừa tích cực sản xuất và có 09 mẹ Việt Nam anh hùng, gồm các mẹ: Nguyễn Thị Ký; Nguyễn Thị Yểng; Nguyễn Thị Thoa;Hoàng Thị Chấn; Đỗ Thị Vỵ; Nguyễn Thị Thực;Nguyễn Thị Chĩnh;Nguyễn Thị Mầu;Nguyễn Thị Đắc.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, trong lúc quân và dân ta đang tập trung sức khắc phục hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, chung lòng, chung sức xây dựng cuộc sống hòa bình thì tình hình chính trị trong khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Ở trong nước, trên biên giới Tây Nam, ngay từ ngày 1-5-1975 đến tháng 12-1978 tập đoàn phản động Pônpốt-Iêngxari đã trắng trợn cho quân lấn chiếm sâu vào lãnh thổ đất nước ta từ Hà Tiên đến Tây Ninh, sau đó liên tiếp đánh chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu và biên giới các tỉnh Long An đến kiên Giang, gây biết bao tang tóc đau thương cho nhân dân Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc lúc này diễn ra không bình thường. Từ đầu năm 1978, những phần tử phản động thù địch đã dựng lên sự kiện “nạn kiều” dụ dỗ cưỡng ép người Hoa rời bỏ Việt Nam và đơn phương cắt viện trợ kinh tế, rút chuyên gia về nước. Cuối năm 1978, đầu năm 1979 chúng tăng cường hoạt động khiêu khích quân sự, ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là các huyện giáp biên giới nơi có nhiều người Hoa cư trú lâu đời, nhân dân Việt Nam-Trung Quốc ở biên giới do có vị trí địa lý và lịch sử để lại đã tạo nên mối quan hệ khá mật thiết, cùng uống chung một dòng nước, nghe chung một tiếng gà, phong tục tập quán nhiều điểm tương đồng, nhiều nơi ở các huyện giáp biên giới đã trở thành điểm giao lưu kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội giữa người Hoa và người Việt. Một bộ phận đông đảo người Hoa sinh sống ở Quảng Ninh, trong số họ có nhiều gia đình, nhiều thế hệ, nhiều người là công nhân lành nghề, thợ kỹ thuật bậc cao, có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, nay rời bỏ Việt Nam về Trung Quốc đã gây khó khăn không nhỏ cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã, huyện biên giới, cửa khẩu. Đến đầu năm 1979, trên địa bàn Quảng Ninh đã dó 16 vạn người Hoa ra đi. Chỉ riêng huyện Quảng Hà đã có 6 vạn trên tổng số 8 vạn người Hoa, 14 trên 19 xã người hoa đi hết. Khi dòng người Hoa bị xúi dục bỏ đi Trung Quốc ngày một nhiều, Trung Quốc đơn phương đóng cửa biên giới gây ra sự kiện cầu Bắc Luân từ ngày 6 đến 8-8-1978, khiến cho hàng ngàn người Hoa lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất.
Trước những diễn biến phức tạp, ngày 27-7-1978 Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) bàn và ra Nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ mới”(1). Hội nghị chỉ rõ: Nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là phải tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, đánh thắng chiến tranh biên giới phía Tây Nam, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trên hướng Bắc và Tây Bắc, tăng cường phòng thủ các đảo và bảo vệ vùng biển, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc; kiên quyết và kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các cơ quan cơ mật; kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu gây rối, gây bạo loạn, gây chiến tranh của các thế lực phản động và bọn đế quốc đối với nước ta.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chấp hành quyết định số 21-QĐ/TW của Bộ chính trị, để đảm bảo thống nhất lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ các lực lượng vũ trang, lực lượng công an, động viên nhân dân tham gia chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, xây dựng tuyến biên giới, huy động các lực lượng, kịp thời phát hiện và đập tan âm mưu bạo loạn trong nội địa nhất là các huyện biên giới, hải đảo. Ngày 30-6-1978, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quyết định thành lập “Ban chỉ huy Quân sự thống nhất” ở các huyện và thị xã trong tỉnh.
Ngày 26-8-1978 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ra Nghị quyết số 12 NQ/TU về “chương trình hành động trong tình hình và nhiệm vụ mới”. Nghị quyết nêu rõ về công tác sản xuất, phát triển kinh tế cũng như quốc phòng-an ninh: Trong tháng 9-1978 các huyện phải xây dựng và duyệt xong phương án chống bạo loạn, những huyện biên giới phải làm xong sớm hơn, riêng phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội các huyện biên giới phải hoàn thành trong tháng 8-1978. Ty công an chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và duyệt phương án cho các huyện và các huyện có trách nhiệm duyệt cho xã. Trong tháng 9-1978, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hướng dẫn xây dựng và duyệt xong phương án tác chiến cho các huyện và tháng 10-1978 các huyện hướng dẫn và xây dựng duyệt xong phương án tác chiến cho các xã. Về xây dựng lực lượng, trong tháng 8-1978, các cấp phải tuyển đủ số quân các đơn vị bộ đội địa phương đã được duyệt. Trong tháng 10-1978 tổ chức xong lực lượng dân quân, tự vệ ở những vùng biên giới mới được bổ sung lao động.
Về đời sống, trước tình hình khó khăn chung, các cấp, các ngành phải phát huy tốt trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bộ đội ở tuyến I.
Rạng sáng ngày 17-2-1979, chiến sự diễn ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gồm 6 tỉnh từ Lai Châu đến Quảng Ninh.
Ngày 17-2-1979, Chính phủ ta ra Tuyên bố phản đối cuộc chiến tranh do phía Trung Quốc tiến hành. Ngày 18-2-1979, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp khẩn cấp, thông qua lời kêu gọi toàn dân đoàn kết đập tan âm mưu của các thế lực thù địch chống Việt Nam.
Đáp lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Bộ quốc phòng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Cùng với nhân dân Hồng Gai (Hạ Long), nhân dân Cao Xanh tích cực đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội khi người Hoa về nước.
Sau chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc nhân dân Cao Xanh cùng nhân dân cả nước bước vào khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Ngày 10-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 63-HĐBT về việc chia tách, sáp nhập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ninh, trong đó có việc giải thể Thị trấn Cao Thắng để thành lập hai phường lấy tên là phường Cao Thắng và phường Cao Xanh. Khi mới được thành lập cơ sở vật chất hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn. Đường 337 chạy qua phường nối với phường Hà Khánh lúc đó mới là đường cấp phối rộng chưa đầy 3m, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn, chưa được đổ bê tông, đường vào các xóm nhỏ hẹp, gập ghềnh khó đi… Điện sinh hoạt yếu, đến giờ cao điểm các gia đình phải dùng Súpvonte tăng hết số mà vẫn lờ mờ như đèn dầu, điện chiếu sáng đường chưa có. Toàn phường lúc này chưa có ngôi nhà nào kiên cố hầu hết là nhà tạm và cấp 4. Nước sinh hoạt lại càng khó khăn, chủ yếu dùng nước mưa, nước giếng, còn nước máy chỉ có một số hộ ở dọc tuyến đường 337 và khu trung tâm phường…Với những khó khăn chất chồng từ những năm đầu mới thành lập, phường có dân số khoảng 1.200 người, chia thành 6 khu phố đến năm 1994 sáp nhập xã Thành Công, phường có 8 khu phố. Đảng bộ có trên 100 đảng viên sinh hoạt trong 15 chi bộ, gồm 8 Chi bộ khu phố, 2 chi bộ trường học, chi bộ công an, 4 chi bộ HTX (Thủy tinh Tân Sơn, Cơ khí 5/8, Dân Chủ và Ngọc Tiến).
Đến nay với sự quan tâm của Thị xã Hồng Gai trước kia, Thành phố Hạ Long ngày nay cộng với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường, Cao Xanh đã thay da đổi thịt một cách nhanh chóng. Từ một địa phương kinh tế chậm phát triển, nhân dân chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản ven biển, tăng gia sản xuất, buôn bán nhỏ, một bộ phận lớn là công nhân viên chức nguồn thu nhập theo đồng lương hàng tháng. Đến nay trở thành một trong những phường trung tâm của Thành phố, tính đến tháng 12 năm 2017, Đảng bộ có 16 chi bộ trực thuộc, trong đó 10 chi bộ khu phố, 04 chi bộ trường học, 01 chi bộ Công an, 01 chi bộ cơ quan phường với 679 đảng viên và 934 đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76 của Bộ Chính trị. Kinh tế có nhiều thay đổi với tốc độ phát triển nhanh, bộ mặt đô thị khang trang, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp, đến nay đường tỉnh lộ 337 đã được thảm nhựa rộng từ 9 đến 16m. Nhiều công trình của nhà nước, của doanh nghiệp, của tư nhân được xây dựng khang trang. Đường bê tông hoàn chỉnh hơn 100% vào các tổ dân, khu phố. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, thương mại, dịch vụ tăng nhanh. Đến nay có trên 600 hộ kinh doanh đa ngành nghề, tạo nguồn thu cho phường mỗi ngày một tăng, năm 1999 toàn phường thu 493 triệu đồng, năm 2016 tổng thu ngân sách đạt trên 18 tỷ, dự kiến năm 2017 tổng thu ngân sách đạt trên 20 tỷ đồng. Trong 35 năm qua Đảng bộ và nhân dân đoàn kết chung tay vượt khó khăn đạt được nhiều thành quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng phường phát triển về mọi mặt, đóng góp vào sự nghiêp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc, đã được các cấp các ngành khen thưởng. Đặc biệt phường Cao Xanh 3 lần vinh dự được tặng thưởng Huân Chương hạng nhì đã có thành tích đóng góp trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc.
Văn hóa, giáo dục phát triển mạnh, kế thừa phát huy giữ gìn bản sắc dân tộc, quan tâm đầu tư nâng cấp thiết chế Văn hóa phù hợp với sự phát triển của xã hội của đất nước. Đến nay 10 khu phố được xây dựng và hoàn thiện nhà sinh hoạt cộng đồng, 10 khu phố phát triển duy trì đội văn nghệ quần chúng trong khu dân cư, có các câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn, khu 7 duy trì gìn giữ và phát triển đội múa sư tử, đội bơi chải được Thành phố tuyển chọn đi giao lưu với Trung Quốc, đoàn kết với nhân dân phường Hà Khánh và Hoành Bồ gìn giữ phát huy lễ hội rước nước, tế thần tại đình Giang Võng, ngoài ra nhân dân giao lưu văn hóa lễ hội Đình Trúc Võng ( phường Bãi Cháy và Giếng Đáy)....
Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ phường Cao Xanh
Điện thoại: 0332.478.236
Địa chỉ: Tổ 52C khu 4B, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Tin tức khác
- Dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Các dự án TP đang đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về quy hoạch phân khu của TP Hạ Long
- Phổ biến những điểm mới trong Luật đất đai năm 2024
- CUỘC THI " LỚP HỌC XANH, SẠCH, ĐẸP, THÂN THIỆN