BẢN TIN TUYÊN TRUYỀN HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG, BHXH
Kính mời quý vị nghe bản tin tuyên truyền triển khai một số nội dung về thực hiện pháp luật lao động, BHXH
Căn cứ Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
Căn cứ Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội buộc;
Căn cứ Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về nội dung của hợp đồng lao đồng, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con;
Căn cứ Quyết định số 1868/QĐ-LĐTBXH ngày 22/12/2021 của Sở Lao động-TB&XH tỉnh Quảng Ninh về việc Ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động cho Phòng Lao động-TB&XH 13 huyện, thị xã, thành phố.
Thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023”; Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long hướng dẫn và yêu cầu phòng Lao động-TB&XH, phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Y tế Thành phố, UBND các xã, phường và các trường, cơ sở Mầm non tư thục trên địa bàn Thành phố nghiên cứu các quy định của pháp luật Lao động, Luật BHXH và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, triển khai thực hiện nghiêm một số nội dung sau:
I. Về ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của HĐLĐ.
1. Yêu cầu xác định rõ trách nhiệm giao kết HĐLĐ và loại HĐLĐ:
- Theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 2019:
Hợp đồng lao động là sự thỏa giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
- Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Lao động năm 2019: Hợp đồng lao động gồm 02 loại:
+ HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
+ HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Nội dung chủ yếu phải có của HĐLĐ:
* Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 thì HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
* Chi tiết hướng dẫn các nội dung chủ yếu của HĐLĐ được quy định tại Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động-TB&XH.
3. Việc lập sổ quản lý lao động; khai trình sử dụng lao động và báo cáo định kỳ tình hình thay đổi về lao động:
Quy định tại Điều 12 Bộ luật Lao động 2019; Hướng dẫn tại Chương II Nghị định 145/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 01/02/2021):
3.1. Về lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử nhưng phải bảo đảm các thông tin cơ bản về người lao động, gồm:
Họ tên; Giới tính; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; Trình độ chuyên môn kỹ thuật; Bậc trình độ kỹ năng nghề; Vị trí việc làm; Loại hợp đồng lao động; Thời điểm bắt đầu làm việc; Tham gia bảo hiểm xã hội; Tiền lương; Nâng bậc, nâng lương; Số ngày nghỉ trong năm; Số giờ làm thêm; Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do. (Mẫu biểu gửi kèm theo).
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, cập nhật các thông tin cơ bản của người lao động nêu trên kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc và quản lý, sử dụng xuất trình Sổ quản lý lao động khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
3.2. Về khai trình việc sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động Khai trình việc sử dụng lao động trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động theo quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng kí sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. (Hoặc có thể tham khảo mẫu Khai trình sử dụng lao động đính kèm).
3.3. Về báo cáo định kỳ tình hình thay đổi về lao động:
Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6) và hằng năm (trước ngày 05/12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với Cơ quan chuyên môn về Lao động thuộc UBND cấp tỉnh (Sở Lao động-TB&XH tỉnh) và thông báo cho cơ quan BHXH biết; Đồng thời gửi Phòng Lao động-TBXH thuộc UBND thành phố để biết, phối hợp theo dõi, quản lý.
(Mẫu báo cáo định kỳ số 01/PLI ban hành theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ đính kèm).
II. Về xây dựng Nội quy lao động (NQLĐ).
1. Các căn cứ xây dựng NQLĐ:
- Chương VI, Chương VII, Chương VIII Bộ luật Lao động năm 2019;
- Chương VI, Chương VII, Chương VIII Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
2. Nội dung Nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung quy định tại Điều 118 BLLĐ năm 2019, cụ thể:
(1). Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Chương VII Bộ luật Lao động 2019 và Chương VII Nghị định 145/2020/NĐ-CP nêu trên.
(2). Trật tự tại nơi làm việc: Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (do các trường, cơ sở MNTT quy định cụ thể).
(3). An toàn, vệ sinh lao động: Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ/CP (do các trường, cơ sở MNTT quy định cụ thể).
(4). Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 69, Điều 84,85,86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(5). Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-TB&XH (do các trường, cơ sở MNTT quy định).
(6). Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao đồng: Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Trong đó cần quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu hoạt động kinh doanh được tạm thời chuyển đổi người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 BLLĐ 2019.
(7). Các hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: Theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
- Hình thức xử lý kỷ luật lao động: Điều 124 BLLĐ 2019 (quy định cụ thể, riêng biệt các hành vi vi phạm kỷ luật tương ứng với 4 hình thức xử lý kỷ luật: Khiển trách, Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải).
- Áp dụng hình thức sa thải: Quy định tại Điều 125 BLLĐ 2019, trong đó phải cụ thể hóa các hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với từng hình thức xử lý kỷ luật; cụ thể hóa mức độ vi phạm về vật chất hoặc phi vật chất tương ứng tương ứng với hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
(8). Trách nhiệm vật chất:
- Bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 129 BLLĐ 2019; Điểm h, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Xử lý bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 130 BLLĐ 2019; Điều 71, 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất: Theo quy định tại Điều 131 BLLĐ 2019; Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(9). Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất: Theo quy định tại Điều 122 BLLĐ 2019 và Điều 70, 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(10). Quy định về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động trong NQLĐ: Theo quy định tại Điểm i, Khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
* Ngoài ra, NQLĐ còn có thể quy định một số nội dung khác như: Hợp đồng lao động; Chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian thử việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ, đơn phương chấm dứt HĐLĐ; Nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật; Làm thêm giờ, tiền lương khi làm thêm giờ …vv…;
* Nội quy lao động thuộc danh mục thủ tục hành chính, vì vậy các đơn vị xây dựng, gửi Phòng Lao động-TB&XH thành phố Hạ Long để tiếp nhận, hướng dẫn, đăng ký theo quy định.
III. Về xây dựng thang lương, bảng lương.
1. Các căn cứ xây dựng:
- Chương VI của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về Tiền lương;
- Chương VI Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ;
- Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022, thay thế Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ).
2. Quy định cụ thể về xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động:
- Theo quy định tại Điều 93 của BLLĐ năm 2019:
+ Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong HĐLĐ và trả lương cho người lao động;
+ Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thwowngfvaf phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức;
+ Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và định mức lao động phải được công bố công khai tại nươi làm việc trước khi thực hiện.
Người sử dụng lao động tự chủ động ban hành thang lương, bảng lương, định mức lao động áp dụng trong đơn vị, đảm bảo bảo mức lương tối thiểu vùng, các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động và không phải gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện để đăng kí.
- Người sử dụng lao động phải bám sát các quy định về Tiền lương được quy định tại Chương VI của Bộ luật Lao động năm 2019 và Chương VI Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ để xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động đảm bảo đúng quy định của pháp luật;
- Thang lương bảng lương phải đảm bảo mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cụ thể:
+ Theo quy định tại Nghị định này, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động tại thành phố Hạ Long theo địa bàn vùng I (được áp dụng kể từ ngày 01/7/2022): Mức lương tối thiểu tháng 4.680.000đ/tháng; Mức lương tối thiểu giờ 22.500đ/giờ;
+ Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng;
+ Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ;
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó;
+ Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
IV. Về thực hiện đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN).
1. Căn cứ thực hiện:
- Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019;
- Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014;
- Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013;
- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội buộc;
- Quyết định số 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
2. Các quy định cụ thể:
2.1. Các đối tượng áp dụng quy định của Luật BHXH: Được quy định tại các Khoản 1, 2,3,4 và 5 Điều 2 của Luật BHXH năm 2014:
- Theo đó người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc;
- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
2.2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tại điều 2 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023.
- Người lao động hưởng tiền lương, tiền công do đơn vị sử dụng lao động quyết định: Mức tiền lương, tiền công cao nhất để đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN bắt buộc bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (36.000.000 đồng/tháng); Mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
- Người tham gia BHXH tự nguyện: Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000đ/tháng, mức cao nhất mà người tham gia được lựa chọn bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng là 36.000.000 đồng/tháng.
2.3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
2.4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ HĐLĐ đã kí kết với người lao động để thực hiện tham gia các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bắt buộc cho người lao động theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành; đóng tiền BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian quy định; không để xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng mức, đóng không đầy đủ đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tham gia;
2.5. Đối với những người lao động không thuộc đối tượng tham gia các chế độ BHXH bắt buộc (như chủ hộ kinh doanh cá thể, chủ cơ sở mầm non tư thục...), phải thực hiện tuyên truyền, vận động tham gia chế độ BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo quyền lợi bền vững, lâu dài của người lao động, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
V. Tổ chức thực hiện.
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các trường, cơ sở Mầm non tư thục trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về Giáo dục - đào tạo, Lao động, BHXH, ATVSLĐ, ATVSTP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
- Gửi văn bản hướng dẫn trên của UBND Thành phố đến tất cả các trường, cơ sở giáo dục Mầm non tư thục trên địa bàn Thành phố theo phân cấp, thẩm quyền quản lý.
2. Các phòng: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế Thành phố
Căn cứ, chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao để kịp thời phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi các trường, cơ sở Mầm non tư thục trên địa bàn Thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân các xã, phường
- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố gửi văn bản hướng dẫn trên của UBND Thành phố đến tất cả các trường, cơ sở giáo dục Mầm non tư thục trên địa bàn;
- Chủ động thành lập Đoàn kiểm tra cấp xã, phường để tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về Lao động, BHXH, ATVSLĐ, An toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý;
- Kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở hoàn thiện, khắc phục tồn tại; Quá thời gian quy định, nếu các cơ sở không khắc phục tồn tại theo kiến nghị kiểm tra, UBND các xã, phường căn cứ Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trên đây là hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện pháp luật Lao động, BHXH và một số văn bản pháp luật có liên quan; Yêu cầu các trường, cơ sở Mầm non tư thục căn cứ quy định của pháp luật và nội dung hướng dẫn trên để kịp thời bổ sung, hoàn thiện đảm bảo đúng quy định./.
Tin tức khác
- Dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Các dự án TP đang đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về quy hoạch phân khu của TP Hạ Long
- Phổ biến những điểm mới trong Luật đất đai năm 2024
- CUỘC THI " LỚP HỌC XANH, SẠCH, ĐẸP, THÂN THIỆN