Bảo đảm hiệu quả sản xuất lúa vụ mùa năm 2024
Đến nay, nông dân cả nước đã và đang thu hoạch vụ lúa đông xuân năm 2023-2024. Theo đánh giá, vụ đông xuân này tương đối thành công, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, vụ lúa hè thu (vụ mùa) năm 2024, nhất là ở các địa phương vùng Nam Trung Bộ và miền bắc dự báo gặp nhiều bất lợi do thiên tai, sâu, bệnh gây hại, giá vật tư đầu vào cao khiến gia tăng chi phí sản xuất.
Thu hoạch lúa tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh NGUYỄN SỰ)
CỤC trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: “Sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2023-2024 đối mặt với những khó khăn như: Xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng tới sản xuất lúa ở nhiều địa phương khu vực Nam Bộ, miền trung, Tây Nguyên… Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dựa trên cơ sở dự báo sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phối hợp và điều tiết nguồn nước theo vùng, liên vùng nên hạn chế được thiệt hại gây ra.
Mặt khác, nhận thức của bà con nông dân trong việc sử dụng giống xác nhận, nguyên chủng, hạt lai và trình độ đầu tư, thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng cao góp phần tăng năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, thóc tương đối được giá giúp thu nhập của người dân từ trồng lúa cũng tăng lên. Qua thống kê, vụ đông xuân 2023-2024, cả nước gieo cấy 2,96 triệu héc-ta, tăng khoảng 1.600 ha so với cùng kỳ, năng suất ước đạt khoảng 68,7 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,3 triệu tấn, tăng khoảng 90 nghìn tấn. Theo Cục Trồng trọt, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến, giúp giảm chi phí, tăng năng suất cho nên vụ lúa đông xuân 2023-2024 được đánh giá tương đối thành công, mang lại hiệu quả cao cho nhân dân.
Vụ đông xuân năm 2023-2024, nông dân tỉnh Quảng Ngãi gieo cấy 38.102 ha, năng suất bình quân đạt 62,81 tạ/ha, sản lượng 239.309 tấn. So với vụ đông xuân trước, tuy diện tích giảm nhưng năng suất và sản lượng tăng 2,5%. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung: “Để bảo đảm sản xuất thắng lợi, ngành nông nghiệp địa phương đã bố trí lịch thời vụ gắn với cơ cấu giống lúa ngắn, trung ngày tùy vào điều kiện cụ thể từng vùng. Vì vậy, vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh không có diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt khoảng 80%, lượng giống lúa nguyên chủng sử dụng khoảng 20%. Đáng chú ý, giá thóc vụ đông xuân 2023-2024 bình quân khoảng 4.985 đồng/kg, giúp mang lại lợi nhuận cho người nông dân bình quân 24 triệu đồng/ha”.
Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương Lê Thái Nghiệp cho biết: “Vụ đông xuân năm 2023-2024, trên địa bàn tỉnh gieo cấy 53.900 ha lúa. Trong vụ này, thời tiết ấm, cơ bản thuận lợi và trong thời gian đổ ải trời có mưa cộng tiến độ lấy nước nhanh, cho nên lúa đông xuân được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Đến ngày 10/6, tỉnh đã thu hoạch được 60% diện tích. Nếu thời tiết từ nay đến hết vụ thuận lợi và không có diễn biến bất thường, năng suất lúa vụ này có thể đạt hơn 67 tạ/ha, cao hơn khoảng 1,5 tạ/ha so vụ đông xuân trước. Hiện nay, các diện tích lúa thu hoạch nông dân đã bán thóc tươi cho các thương lái, trong đó giống lúa tẻ thường từ 7.200 đến 7.400 đồng/kg, thu lãi từ 16,7 đến 19 triệu đồng/ha; lúa tẻ chất lượng cao giá từ 7.800 đến 9.000 đồng/kg, thu lãi từ 19 đến 21,6 triệu đồng/ha; lúa nếp giá bán từ 8.000 đến 9.000 đồng/kg, thu lãi 18,8 đến 27,7 triệu đồng/ha”.
Vụ hè thu năm 2024, cả nước có kế hoạch gieo cấy khoảng 1,91 triệu héc-ta lúa, năng suất dự kiến đạt 57,8 tạ/ha, sản lượng 11 triệu tấn. Mặc dù vậy, sản xuất vụ hè thu nguy cơ gặp nhiều bất lợi về hạn hán, thiếu nước, mưa, bão, lũ… Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng: “Sâu, bệnh gây hại ở vụ mùa, hè thu đối với lúa thường có diễn biến phức tạp hơn. Mặt khác liên kết sản xuất, tiêu thụ còn thiếu và yếu nên chưa nâng cao được giá trị nông sản và dễ dẫn đến nguy cơ được mùa, rớt giá.
Cùng với đó, giá vật tư đầu vào cho sản xuất ở mức rất cao so với cùng kỳ, nhất là phân bón nên chi phí sản xuất lớn, tăng giá thành, giảm lợi nhuận cho người nông dân. Đáng chú ý, từ nay đến cuối năm, sản xuất lúa thường gặp bất lợi về thời tiết khi bị ảnh hưởng của các đợt mưa, bão, gây ngập úng ở các địa phương khu vực miền trung và phía bắc, có thể khiến thiệt hại hoặc giảm năng suất, sản lượng lúa”.
Theo dự báo của Cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có xu hướng gia tăng từ nay đến tháng 7; ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 8. Hiện nay, khu vực Bắc Trung Bộ, nguồn nước cơ bản bảo đảm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng vào giai đoạn cao điểm nắng nóng kéo dài, dự báo diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước trong vụ hè thu năm 2024 là 6.000 đến 8.000 ha, trong đó tỉnh Thanh Hóa từ 1.500 đến 2.000 ha, Nghệ An từ 3.000 đến 3.500 ha, Quảng Bình 100 đến 500 ha, Quảng Trị 1.000 đến 1.500 ha... Đối với khu vực Nam Trung Bộ, vụ hè thu năm 2024, dự báo cũng có khoảng 9.400 đến 13.000 ha bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích chủ động dừng sản xuất khoảng 4.980 đến 7.000 ha; diện tích gieo trồng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước từ 4.420 đến 6.000 ha.
Để bảo đảm sản xuất vụ hè thu năm 2024 đạt kết quả tốt, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần kiểm tra, rà soát nguồn nước tại các công trình thủy lợi làm cơ sở điều tiết nước phục vụ sản xuất hợp lý; tổ chức sản xuất đối với những diện tích công trình thủy lợi bảo đảm cung cấp nước cho cả vụ. Những diện tích không đủ nước tưới cho lúa chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày.
Đối với những diện tích ở xa nguồn nước, thường xuyên thiếu nước trong vụ hè thu, cần có kế hoạch thực hiện các biện pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ; rà soát, lập kế hoạch sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm nhằm bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất phù hợp với nhu cầu dùng nước và theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung vận động, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng…
Báo nhân dân
Tin tức khác
- Dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Các dự án TP đang đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về quy hoạch phân khu của TP Hạ Long
- Phổ biến những điểm mới trong Luật đất đai năm 2024
- CUỘC THI " LỚP HỌC XANH, SẠCH, ĐẸP, THÂN THIỆN