Hạ Long: Phát triển đô thị ngay trong xây dựng hạ tầng các xã
- Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vốn là đô thị loại I, khi hợp nhất với Hoành Bồ huyện miền núi nhiều xã còn trong diện nghèo, thị trấn huyện chưa đạt đô thị loại IV. Địa phương đã sớm có chủ trương rút ngắn khoảng cách kinh tế - xã hội các xã với các phường thành thị, vừa sơ kết việc thực hiện chủ trương lớn đó có việc phát triển hạ tầng đồng bộ, định hướng phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Bí thư Thành ủy Vũ Quyết Tiến nêu, Nghị quyết 78 là cụ thể hóa sự quan tâm của tỉnh, của thành phố đối với 12 xã, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch mức sống giữa các xã vùng núi cao, vùng bán sơn địa với các phường trung tâm đô thị; và để 3 xã có điều kiện hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí lên phường.
Chủ trương quan tâm nâng cao đời sống các xã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 78-NQ/TU, ngày 2/1/2024 của Thành ủy (gọi tắt là Nghị quyết 78) về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; được các cơ sở Đảng, chính quyền và nhân dân đồng tình hưởng ứng và đẩy lên như một phong trào cách mạng mới ở nông thôn, đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn miền núi vững chắc và chương trình nông thôn mới ở các vùng xa đô thị.
Thành ủy Hạ Long sơ kết Nghị quyết 78 nêu, kết quả 12 xã từ sơn khu đến vùng bán sơn địa đã đầu tư và huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách, theo phương châm xã hội hóa vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những công trình động lực để khai thác tiềm năng kinh tế sẵn có ở các xã; phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, làm tiền đề để nâng cấp xã có điều kiện lên phường từng giai đoạn.
6 tháng đầu năm 2024, UBND thành phố đã triển khai lập chủ trương đầu tư 4 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã với kinh phí 228,3 tỷ đồng. Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư và hoàn thiện lập thiết kế bản vẽ thi công, trình thẩm định, phê duyệt, dự kiến khởi công 2 dự án ngày 8/8 và hoàn thành trong năm 2024; còn 2 dự án tại xã Đồng Sơn và Kỳ Thượng đang hoàn thiện hồ sơ lập thiết kế bản vẽ thi công, trình thẩm định, phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Năm 2024, các xã đăng ký triển khai thực hiện 45 công trình hạ tầng nông thôn, đã triển khai thực hiện 38/39 công trình, thành phố đã cấp 81,3 tỷ đồng cho 38/39 công trình, đợt 1 cấp 21 tỷ đồng cho 4 công trình ở Xã Sơn Dương và xã Vũ Oai, đợt 2 cấp 56,8 tỷ đồng cho 32 công trình ở các xã: Sơn Dương, Vũ Oai ,Lê Lợi, Quảng La, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Dân Chủ, Hòa Bình, Kỳ Thượng, Tân Dân, Bằng Cả, Đồng Lâm, Thống Nhất.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vũ Thị Mai Anh nêu, các xã cần chủ động kêu gọi các nhà đầu tư huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để khai thác tiềm năng kinh tế tại địa phương, phục vụ lợi ích dân sinh.
UBND thành phố cấp đợt 3 trên 3,5 tỷ đồng cho 2 công trình ở xã Đồng Lâm và xã Thống Nhất, còn 1 công trình ở xã Sơn Dương chưa đủ điều kiện để cấp vốn. Trong 38 công trình đã cấp vốn, có 36/38 công trình đã thi công, 1/38 công trình đang hoàn thiện thủ tục đầu tư là công trình cổng chào xã Bằng Cả, 1/38 công trình đang tổ chức chấm thầu là công trình tuyến đường bê tông nội đồng từ nhà ông Trần Văn Hồng sang cánh đồng Là Cà, thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất. Kết quả giải ngân đến hết ngày 7/6/2024 là 46,195,4/81,3 tỷ đồng đạt 56,8% kế hoạch vốn cấp.
Đối với 6 công trình hạ tầng nông thôn quy mô lớn, có tính chất phức tạp về quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố phối hợp với các đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch tổng mặt bằng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND thành phố tại các kỳ họp tới.
13 công trình hạ tầng nông thôn của 2 xã Sơn Dương, Bằng Cả thực hiện chuyển tiếp từ năm 2023, với tổng mức đầu tư 57.167 triệu đồng (năm 2023 đã cấp 30.000 triệu đồng; năm 2024 cấp 20.160 triệu đồng, đã giải ngân 9.079/20.160 triệu đồng, đạt 45,0% kế hoạch vốn cấp).
Về công tác quy hoạch, thành phố đã phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các đồ án quy hoạch xây dựng trong đó các xã có 72 đồ án với kinh phí thực hiện 25,253 tỷ đồng gồm: 17 đồ án quy hoạch phục vụ xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp với kinh phí thực hiện 10,362 tỷ đồng; 2 đồ án quy hoạch phục vụ các dự án phát triển nhà ở xã hội với kinh phí thực hiện 270 triệu đồng; 25 đồ án quy hoạch do các đơn vị thực hiện theo nhiệm vụ được giao với kinh phí thực hiện 13,991 tỷ đồng; 28 đồ án quy hoạch thực hiện theo kế hoạch sắp xếp lại tài sản công, quỹ đất dôi dư với kinh phí thực hiện 630 triệu đồng.
UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chung cho 10 xã gồm: Sơn Dương, Dân Chủ, Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Vũ Oai, Hòa Bình, Kỳ Thượng; và đã ban hành Văn bản số 3386/UBND ngày 6/5/2024 giao các xã chủ động tổ chức lập quy hoạch chi tiết thu hút đầu tư các dự án phát triển nông lâm trên địa bàn, hoàn thành trong quý II/2024.
Các xã đã hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch Khu trung tâm xã trình phê duyệt, đồng thời tổ chức nghiên cứu phương án quy hoạch để báo cáo UBND thành phố xem xét có ý kiến. Đối với quy hoạch phân khu 2 xã Lê Lợi và Thống Nhất hiện đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Thành phố Hạ Long đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã hoàn thiện lập các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương gồm 33 đồ án, với kinh phí dự kiến 3,265 tỷ đồng. Trong đó, 2 đồ án quy hoạch cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Hoành Bồ 1 tại xã Vũ Oai; Cụm công nghiệp Hoành Bồ 2 tại xã Thống Nhất, với kinh phí dự kiến lập 2,2 tỷ đồng; 31 đồ án quy hoạch các công trình tôn giáo, tín ngưỡng với kinh phí dự kiến lập 1,065 tỷ đồng.
Cở sở hạ tầng là đòn bẩy là động lực phát triển kinh tế, các xã đã phát huy lợi thế thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu với các loại nông thổ sản vật nuôi đặc sản, thương hiện sản phẩm OCOP. Đã phát huy hiện quả vùng trồng ổi trên 120ha; thí điểm trồng ổi bằng phân bón hữu cơ. UBND xã Sơn Dương hoàn thiện đề án: Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đồng quê Hợp tác xã Nông – Lâm - Ngư nghiệp Việt Hưng; xã xác định khu vực chuyên canh trồng mía tím khoảng 3,8ha; xây dựng vùng chuyên canh trồng dưa hấu khoảng 4,9ha tại thôn Vườn Cau và thôn Vườn Rậm; hỗ trợ các hộ dân 5kg hạt giống hoa các loại, để thay đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Tuấn Minh nên ra tồn tại cần khắc phục, như một số xã chưa chủ động tìm thị trường tiêu thụ cái mà ta cần bán; thiếu phương pháp tiếp thị, quảng bá đặc sản để địa phương sản xuất hàng hóa.
Tổ sản xuất rượu Bâu, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của xã Bằng Cả sửa chữa và xây dựng bổ sung một số hạng mục công trình đã được quy hoạch của Khu bảo tồn văn hóa để làm nơi trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y, phát triển các tour du lịch đón khách trong nước và quốc tế. Các xã vận động người dân mở rộng vùng sản xuất các giống cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị cao, như: xã Thống Nhất mở rộng trồng được 4,5ha cây na lũy kế đến nay trên địa bàn xã đã có 42 hộ trồng, với diện tích đạt 39,5ha, hiện nay có 40 hộ đăng ký triển khai mở rộng thêm 80ha; dự kiến đến cuối năm trồng thêm được 3ha. Các xã Kỳ Thượng vận động 12 hộ trồng được 9.000 cây Sâm nam với diện tích gần 2,0ha, lũy kế đến nay diện tích trồng Sâm nam trên địa bàn xã 13 hộ trên 2,5ha; xã Đồng Lâm trồng được 8ha cây gừng gió, địa liền; xã Sơn Dương, Quảng La mở rộng thêm 0,6ha cây ổi Đài Loan theo mô hình ổi hữu cơ.
Theo phương hướng, thành phố chỉ đạo Chỉ đạo 10 xã gồm: Sơn Dương, Dân Chủ, Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Vũ Oai, Hòa Bình, Kỳ Thượng hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch trung tâm xã; chỉ đạo 10 xã gồm: Sơn Dương, Vũ Oai, Bằng Cả, Dân Chủ, Quảng La, Tân Dân, Thống Nhất, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định phê duyệt đối với 13 quy hoạch vùng sản xuất tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt; 6 xã gồm: Lê Lợi, Sơn Dương, Thống Nhất, Vũ Oai Tân Dân, Đồng Lâm lập hồ sơ, trình thẩm định phê duyệt đối với 31 công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ thi công 34 công trình đang triển khai và giải ngân vốn đã cấp; triển khai đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để thi công các dự án năm 2024 nhưng chưa khởi công.
Quang cảnh Hội nghị.
Đồng thời với các công trình động lực phát triển kinh tế, là các công trình an sinh xã hội. Trong năm 2024, thành phố khởi công các dự án đấu nối hệ thống cung cấp nước sạch tại các xã: Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình, Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Tân Dân, hoàn thành; thực hiện các bước đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn tại xã Đồng Sơn, xã Kỳ Thượng. Hoàn thiện các thủ tục triển khai xây mới, mở rộng, cải tạo, sửa chữa các trường học; nâng cấp trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho dân; đầu tư các thiết chế văn hóa, dụng cụ thể thao nâng cao đời sống văn hóa trong các khu dân cư.
Một số hình ảnh đổi mới ở các xã:
Trưởng thôn 2, xã Dân Chủ Vi Văn Đạo phấn khởi cho biết, Nghị quyết 78 của Thành ủy là động lực mới thúc đẩy thôn mình phát triển kinh tế, theo đó là các hộ dân đoàn kết tự chỉnh trang đường sá, trang trí khu dân cư.
Bà Phạm Thị Đào, ở thôn Đồng Mơ, xã Vũ Oai có vui mừng chia sẻ, thành phố Hạ Long có chủ trương rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với các phường ở đô thị, để người dân được bình đẳng sinh sống trong mái nhà chung của thành phố người dân ai ai cũng phấn khởi.
Làng văn hóa trù mật, người dân sung túc, đầm ấm sinh sống trong không gian cảnh quan - môi trường.
Xã Sơn Dương nhiều thôn cơ sở hạ tầng đủ các tiêu chí lên phường.
Xã Vũ Oai trước đây hễ mưa là lũ rừng từ thượng nguồn đổ về ngập các đường ngầm, nay đập tràn, đường ngầm được thay bằng cầu bê tông vĩnh cửu giao thông thông suốt an toàn.
Đường Trại Me - Đồng Trà nối Quốc lộ 279 với rừng Quốc gia Đồng Sơn -Kỳ Thượng, đường dài 10,12km, rộng 14,5m,vận tốc thiết kế V=60km/h, kinh phí đầu tư là 812.719 triệu đồng.
Các xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, nhiều xã có 35-40% nhà ở xây kiểu biệt thự giả Thái có sân vườn, nội ngoại thất đẹp, thiết bị phục vụ ăn ở tiện nghi.
Cụm trường các cấp học ở xã vùng cao Kỳ thượng.
Bà con các xã người dân tộc thiểu số vùng núi cao đã và đang làm quen với các dịch vụ du lịch văn hóa, mở ra ngành nghề mới trong cơ cấu nguồn thu của địa phương.
Phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả.
Nguồn: Báo Xây dựng
Tin tức khác
- Dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Các dự án TP đang đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm 2024 trên địa bàn phường Cao Xanh
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về quy hoạch phân khu của TP Hạ Long
- Phổ biến những điểm mới trong Luật đất đai năm 2024
- CUỘC THI " LỚP HỌC XANH, SẠCH, ĐẸP, THÂN THIỆN