Ngày 28 tháng 6 năm 2024, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác cảnh vệ, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật Cảnh vệ, cụ thể như sau:
Sửa đổi, bổ sung Điều 3
- Luật quy định khoản 4 Điều 3 như sau: "4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ, cảnh vệ theo quy định của Luật này" để phù hợp với quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị trung ương đến cơ sở.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16
Hiện nay, với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trọng điểm khác, nên nhu cầu thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là rất cần thiết. Để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tránh phát sinh tăng biên chế, Luật quy định trong trường hợp cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sửa đổi, bổ sung Điều 18
- Thứ nhất, Luật quy định bổ sung một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện; cụ thể: huấn luyện nâng cao; huấn luyện đặc thù; huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến; ra quân thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và lực lượng khác tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Các nhiệm vụ này trên thực tế lực lượng Cảnh vệ vẫn đang triển khai thực hiện, do vậy cần luật hóa để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ.
- Thứ hai, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao; huấn luyện đặc thù; huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến; ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an.
Sửa đổi, bổ sung Điều 20
Trên thực tế một số quyền được lực lượng Cảnh vệ đã và đang thực hiện rất hiệu quả trong triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ; do vậy, cần luật hóa để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ. Cụ thể:
- Thứ nhất, luật bổ sung quy định một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ: "(1)Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; (2)Trong trường hợp do quy định của pháp luật nước sở tại hoặc các nguồn nhân lực và phương tiện, thiết bị cần mang theo không đáp ứng được công tác cảnh vệ, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật này khi đi công tác nước ngoài."
- Thứ hai, bổ sung thêm 01 Điều (Điều 20a) quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt: “Giấy bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Công an, sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng để thực hiện công tác cảnh vệ. Giấy bảo vệ đặc biệt chỉ được sử dụng khi thực hiện công tác cảnh vệ; sĩ quan cảnh vệ phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý trong trường hợp Giấy bảo vệ đặc biệt được cấp bị mất, hư hỏng. Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu, việc quản lý, sử dụng, cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, tiêu hủy Giấy bảo vệ đặc biệt.”./.