Trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, thời gian qua, thành phố tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn. Để nâng cao hiệu quả diện tích chuyển đổi sang trồng rừng lâu năm, thành phố chỉ đạo các xã, phường hoàn thành công tác kiểm tra sơ bộ hiện trường trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; lập phương án hỗ trợ; thực hiện công tác trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo các phương án, dự án liên kết sản xuất đã được phê duyệt và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, công chức, đảng viên và các hộ dân có diện tích được giao, cho thuê đăng ký trồng cây lâu lăm. Để chủ động nguồn giống cây trồng, chất lượng cao, thành phố đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn. Riêng đối với các xã có diện tích rừng thuộc lưu vực lòng hồ Yên Lập, TP Hạ Long đã yêu cầu các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và thực hiện trồng cây bản địa gỗ lớn để tăng khả năng giữ nước, hạn chế xói mòn, bồi tụ trong lưu vực của hồ. Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Lãnh đạo TP trao cây giống trồng rừng gỗ lớn cho người dân

Ra quân trồng rừng gỗ lớn tại xã Đồng Lâm

 

Ngay từ đầu năm, Thành phố tập trung chỉ đạo rồng rừng tập trung và cây phân tán. Tính đến ngày 31/8/2023 đã trồng được 180,53 ha, đạt 42,98% so với Kế hoạch tỉnh (420ha) và 42,48% so với kế hoạch Thành phố (425ha), trong đó: trồng cây phân tán Lim, Lát, Giổi đã trồng 1.200 cây (Lim xanh: 100 cây; Giổi: 100 cây; Lát: 1.000 cây), quy đổi diện tích là 1,2 ha; Trồng rừng tập trung 179,33 ha (Lim xanh: 46,8ha; Giổi xanh: 66,62ha; Lát hoa: 13,31ha; Hỗn loài: 52,6 ha). Đây đều là các loại cây có chu kỳ kinh doanh dài trên 25 năm; cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực; giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích và năng suất rừng trồng được cải thiện; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì đạt 55% và chất lượng rừng được nâng cao.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được triển khai trên địa bàn thành phố không chỉ là cơ sở để khai thác tốt các điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội, mà thông qua dự án, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn mở ra triển vọng tạo hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Qua thống kê, rà soát, hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn khoảng hơn 110ha có khả năng trồng rừng gỗ lớn, trong đó (Tân Dân 5ha trên đất UBND xã, 01 ha đất của hộ dân; Bằng Cả 10ha trên đất UBND xã; Dân Chủ 3ha trên đất UBND xã; Sơn Dương 5ha trên đất UBND xã; Vũ oai: 15,4ha trên đất của hộ dân; Đồng Lâm 30ha trên đất UBND xã; Kỳ Thượng 33ha trên đất UBND xã 3ha, cộng đồng dân cư 30ha; Đồng Sơn 7ha trên đất UBND xã). Đất do các đơn vị, tổ chức còn khoảng hơn 130ha (Công ty lâm nghiệp Hoành Bồ 110ha, Công ty than Hà Tu 20ha). Hiện nay, các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt khai thác để trồng rừng gỗ lớn.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, thời gian tới, Hạ Long tiếp tục phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng NTM để góp phần để thành phố sớm đạt được những mục tiêu đề ra, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Hạ Long giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

Hồng Hạnh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 333